TUYÊN TRUYỀN GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 12
Chủ đề ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam 22/12
GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH: “MÃI MÃI TUỔI 20” Nguyễn Văn Thạc
Kính thưa quý thầy, cô cùng các em học sinh thân mến!
Hoà chung trong không khí thiêng liêng chào mừng 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12/1944- 22/12/2024, thư viện Trường Tiểu học Tân Hương xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô cùng các em học sinh cuốn sách: Mãi mãi tuổi hai mươi - cuốn nhật kí thời chiến của một chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm rung động trái tim của rất nhiều độc giả, ở mọi lứa tuổi, trong mọi thời đại.
Ấn tượng đầu tiên về cuốn sách đặc biệt của ngày hôm nay đó là nhan đề Mãi mãi tuổi hai mươi: gợi một sự tươi trẻ, tràn đầy sức sống, và còn mãi với thời gian.
Mãi mãi tuổi hai mươi là cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc (1952-1972) viết từ ngày nhập ngũ 2-10-1971 đến ngày 24-5-1972 do NXB Thanh Niên giới thiệu tháng 5-2005 là cuốn nhật ký được nhà thơ, nhà báo Đặng Vương Hưng cùng với việc biên soạn Những lá thư chiến tranh đã sưu tầm, giới thiệu tập nhật ký này.
Bạn đọc thân mến! Lật từng trang sách, các bạn sẽ được gặp ở đó một chàng trai Hà Nội. Khi anh bước chân vào ngưỡng cửa Đại học là khi cuộc chiến tranh Việt Nam đang thời kì căng thẳng, ác liệt nhất. Anh học giỏi cả “xã hội” và “tự nhiên” như thời ấy thường nói, nghĩa là cả văn và toán. Ở Trung học, anh đoạt giải nhất thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc. Ở Đại học, anh là sinh viên xuất sắc của khoa Toán - Cơ, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh có thể được chọn một con đường khác cho sự nghiệp của mình. Nhưng cũng giống như biết bao chàng trai Hà Thành năm tháng ấy, anh đã cởi áo sinh viên để khoác lên mình áo lính, xếp bút nghiên theo việc đao cung. Khi đất nước lâm nguy, khi Tổ quốc cần, các anh sẵn sàng hiến dâng tuổi trẻ đẹp nhất của mình, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Vâng! Cuộc đời đẹp nhất của thanh niên là trên trận tuyến đánh quân thù .Và anh, một thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, đã chấp nhận và dấn thân, dấn thân không theo nghĩa hiện sinh mà theo nghĩa yêu nước, Nước còn giặc còn đi đánh giặc,đánh đến cùng mới thôi
Bạn đọc thân mến! người trai Hà Nội ấy đã vĩnh viễn nằm xuống mảnh đất Quảng Trị hơn 50 năm về trước. Hôm nay, sau gần 50 năm ngày chiến tranh khép lại, các bạn đang có trên tay mình những tâm tình của anh qua cuốn sổ nhật kí quân ngũ anh ghi trong quãng thời gian huấn luyện tân binh.
Từ sự trải nghiệm của cuộc đời chiến sĩ, từ sự yêu thương, gắn bó, Nguyễn Văn Thạc đã ghi chép rất kĩ những điều mắt thấy, tai nghe và cả những điều anh cảm nhận được. Đó là chuyện về gia đình những người dân nơi anh đóng quân, chuyện về những anh lính cùng đơn vị, về những cán bộ chỉ huy tiểu đội, trung đoàn... Có nhiều chuyện vui, nhưng có cả những chuyện buồn. Dưới cái nhìn tinh tế, giàu cảm xúc của người lính trẻ, bạn đọc sẽ cảm nhận được sâu sắc tình quân dân nồng ấm, tình đồng chí keo sơn, gắn bó của các chiến sĩ trên đường chiến đấu, và hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ luôn được nhân dân tin yêu; ...Bên cạnh những kỉ niệm ấm áp đó, người lính trẻ cũng thật đau đớn, xót xa khi phải chứng kiến sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh: " Làng xóm chìm trong tang tóc và bóng đêm", nhân dân nghèo đói; chứng kiến sự hi sinh, mất mát của đồng đội mình. Tất cả, đã để lại trong lòng người chiến sĩ trẻ những dấu ấn sâu đậm, để thôi thúc, để thổi bùng ý chí quyết tâm chiến đấu với kẻ thù xâm lược. Trong nhật kí, Nguyễn Văn Thạc viết: " Không, suốt đời ta không quên, ta không quên cảnh em bé miền Nam đập tay lên vũng máu. Dưới tay em lẽ ra là chậu nước trong mát - cái biển mênh mông của tuổi thơ hồn nhiên, nhí nhảnh..."
" Bây giờ cái khao khát nhất của ta - cái day dứt trong ta là khi nào được vào miền Nam, vào Huế, Sài Gòn - xọc lê vào thỏi tim đen đủi của quân thù."
Trước lúc hi sinh, anh vẫn nói với đồng đội:" chỉ tiếc là không còn chiến đấu được nữa...bao dự định còn dang dở." Anh đã ra đi mãi mãi ở tuổi mới 20. Mặc dù chỉ có mười tháng tuổi quân, nhưng dọc đường hành quân ra trận, khắc phục biết bao gian khổ, hi sinh, Thạc vẫn làm tốt nhiệm vụ của người chiến sĩ, vừa tích cực ghi chép những sự kiện, những cảm nghĩ về Đời, về Người trong những năm tháng hào hùng của cuộc chiến đấu chống Mĩ cứu nước đang trong giai đoạn ác liệt tiến đến thắng lợi hoàn toàn.Trong hồn thiêng sông núi, tấm gương của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc là minh chứng cho Quân đội nhân dân Việt Nam anh dũng, dân tộc Việt Nam anh hùng.
Hôm nay, khi đất nước đã hoà bình, độc lập, những tấm gương ấy, những người con đất Việt ấy, dù đã ra đi mãi mãi nhưng vẫn luôn bất tử trong lòng mỗi người nhân dân Việt nam. Và hơn hết, mỗi chúng ta, xin được cúi đầu tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc công lao to lớn của thế hệ cha anh, những chiến sĩ đã anh dũng hi sinh.
Hướng tới kỉ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, mỗi người chúng ta, nhất là thế hệ trẻ hãy ra sức phấn đấu, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng đất nước giàu mạnh và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu quý.
Cuốn sách "Mãi mãi tuổi hai mươi" của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc sẽ là một cuốn sách thật ý nghĩa, một tư liệu quý giá mà thư viện trường Tiểu học Tân Hương muốn gửi đến quý độc giả. Cuốn sách đã làm làm sống dậy trong kí ức chúng ta một thời kì lịch sử đau thương nhưng anh dũng của dân tộc đồng thời đã chạm khắc bức tượng đài cao đẹp về người lính không thể nào quên!
Hiện nay cuốn sách đang nằm trong tủ sách tham khảo STK /204 của Thư viện nhà trường. Mời thầy cô và các em đón đọc!
Cán bộ thư viện
Hà Thị Thủy